Đăng ký

Soạn bài : Chiến thằng Mtao - Mxay(Trích Đăm Săn - Sử thi Tây Nguyên)

2,512 từ Soạn bài

– Phần 1: từ đầu đến “cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường”: Cảnh trận đánh giữa hai tù trưởng.

– Phần 2: tiếp đến “Họ đến bãi ngoài làng, rồi vào làng”: Cảnh Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng.

– Phần 3: còn lại: Cảnh Đăm Săn ăn mừng chiến thắng.

Nhân lúc Đăm Săn cùng các nô lệ lên rẫy, Mtao Mxây đã đến phá buôn làng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến để cứu người vợ của mình. Lần đầu, chàng thách Mtao Mxây đọ dao nhưng hắn sợ không dám đồng ý. Khi Đăm Săn dọa đốt nhà, hắn mới chịu xuống và múa khiên. Mtao Mxây rung khiên múa, tiếng kêu lạch xạch; đến lượt Đăm Săn, mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh, chạy vun vút trong khi Mtao Mxây chỉ bước thấp bước cao chạy hết bãi đông sang bãi tây. Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quăng cho một miếng trầu nhưng Đăm Săn đỡ được, ăn vào thì sức lực tăng lên gấp bội. Đăm Săn lại múa khiên, đâm Mtao Mxây nhưng không thủng được áo giáp của hắn. Nhờ Trời giúp đỡ, Đăm Săn ném một cái chày tròn vào tai của kẻ địch, nên giành được chiến thắng, cắt đầu của Mtao Mxây đem bêu ra đường. Chàng cứu được vợ, và tất cả tôi tớ của Mtao Mxây nguyện đi theo Đăm Săn. Dân làng mở tiệc mừng chiến thắng của Đăm Săn và đón chào những dân làng mới.

Câu 1 (trang 36 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

Tóm tắt diễn biến trận đánh

- Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến nhưng hắn bỡn cợt chưa chịu giao chiến ngay.

- Khi thấy thái độ kiên quyết và nhận được lời hứa của Đăm Săn là sẽ không đâm khi đi xuống cầu thang, Mtao Mxây mới chịu xuống.

- Hiệp đấu thứ nhất: Hai bên múa khiên:

    + Mtao Mxây múa trước: tỏ ra yếu ớt và kém cỏi

    + Đăm Săn múa khiên: tỏ ra mạnh mẽ, tài giỏi hơn hẳn,vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên.

    + Kết quả: Đăm Săn đâm trúng Mtao Mxây nhưng không thủng được áo giáp của hắn.

- Hiệp đấu thứ hai:

    + Được trời mách bảo, Đăm Săn ném cái chày mòn trúng tai Mtao Mxây.

    + Kết quả: Đăm Săn giành được chiến thắng, cắt đầu của Mtao Mxây đem bêu ra đường. Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đăm Săn về ngôi làng mới.

Câu 2 (trang 36 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

- Câu nói của dân làng:

    + “không đi sao được!… người nhà giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa”

    + “không đi sao được! Tù trưởng chúng tôi đã chết, lúa chúng tôi đã mục, chúng tôi còn ở với ai?”

⇒ Sau khi tù trưởng của mình thất bại, đông đảo tôi tớ của Mtao Mxây đều tâm phục và muốn đi theo Đăm Săn - vị tù trưởng mạnh hơn.

Điều này thể hiện mơ ước có được một người tù trưởng dũng cảm, tài ba, có khả năng lãnh đạo tốt của nhân dân.

- Hàng động của dân làng:

    + Tôi tớ của Mtao Mxây: Đoàn người đông như bầy cà tong, mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước. ⇒ Niềm vui, phấn khởi khi tìm được người tù trưởng đủ tài đức.

    + Tôi tớ của Đăm Săn: “… Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. Các cô gái đi lại vú đụng vú. Cảnh làng một tù trưởng nhà giàu trông sao mà vui thế!” ⇒ Vui mừng khi tù trưởng chiến thắng trở về, buôn làng được mở mang thêm, ngày càng đông vui và giàu mạnh.

Cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây không phải là một cuộc chiến tranh phi nghĩa với mục đích xâm lược, tàn sát hay cướp bóc của cải. Cuộc chiến này quyết định sự thắng thua của hai tù trưởng, và mang tính chất thống nhất cộng đồng. Vì vậy, khi Đăm Săn – một tù trưởng mạnh hơn giành chiến thắng, tôi tớ của cả hai buôn làng đều vui mừng, phấn khởi.

Câu 3 (trang 36 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

Phần cuối đoạn trích chú ý nhiều đến việc miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng của người dân cả hai buôn làng. Điều này nêu lên một số đặc điểm lớn của sử thi và tư tưởng của nhân dân như:

    + Sau khi Mtao Mxây – tù trưởng kém cỏi hơn thua trận, tôi tớ ở làng không hề lo sợ mà phấn khởi, vui mừng và ngay lập tức theo Đăm Săn – tù trưởng tài giỏi hơn về buôn làng mới.

⇒Điều này thể hiện tính chất của cuộc chiến tranh thị tộc trong xã hội Ê-đê: Cuộc chiến không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội mà giúp cho các bộ tộc nhỏ, rời rạc có thể hợp lại để tạo nên tập thể lớn mạnh.

    + Sự ủng hộ của cả hai phía dân làng cũng thể hiện tư tưởng của dân gian về tầm vóc lịch sử của người anh hùng: mong muốn có được người lãnh đạo tài giỏi, ngợi ca công lao của người anh hùng đã có công thống nhất các buôn làng.

Câu 4 (trang 36 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

- Biện pháp so sánh được sử dụng ở các chi tiết: Các lần Đăm Săn múa khiên, so sánh tương phản nhằm tạo sự đối lập giữa cảnh múa khiên của Đăm Săn và Mtao Mxây.

- Các câu văn có dùng lối nói phóng đại:

    + Chàng múa trên cao, gió như bão; chàng múa dưới thấp, gió như lốc

    + Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối

⇒Tác dụng:

    + Những câu văn này giống như một đòn bẩy, có tác dụng miêu tả chi tiết, cụ thể, làm nổi bật vẻ đẹp, vị thế của người anh hùng.

    + Các hình ảnh được dùng để so sánh với Đăm Săn đều được lấy từ thiên nhiên, vũ trụ. Điều này cho thấy, nhân dân muốn khẳng định tài năng, sức mạnh, tầm vóc của các anh hùng cộng đồng này có thể sánh ngang tầm với vũ trụ.

- Vai trò của thần linh (Ông Trời):

    + Đăm Săn nằm mộng thấy ông Trời

    + Ông Trời đưa ra chỉ dẫn, gợi ý “cháu lấy một cái chày mòn ném vào vành tai hắn là được”.

⇒ Thần linh (Ông Trời) ở đây chỉ có vai trò là người đưa ra gợi ý, chứ không phải là người quyết định, làm nên kết quả cuối cùng của cuộc chiến.

- Vai trò của con người:

    + Đăm Săn đã cố gắng chiến đấu 3 hiệp, dùng nhiều tài năng nhưng chưa hạ gục được Mtao Mxây.

    + Nhờ có sự giúp đỡ của ông Trời, Đăm Săn đã tìm ra điểm yếu, quyết chiến đấu và chiến thắng Mtao Mxây.

⇒ Con người có vai trò là đối tượng trực tiếp dùng tài năng, sức mạnh của mình để tham gia cuộc chiến và giành chiến thắng cuối cùng trước kẻ thù.

Trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc – đó là những tình cảm cao cả nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu với phép so sánh và phóng đại được sử dụng có hiệu quả cao là những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của sử thi.

shoppe