Đăng ký

Phân tích nhân vật Chí Phèo

2,322 từ Phân tích
Đề bài

Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo

Hướng dẫn giải

    Nam Cao để lại số lượng tác phẩm không phải quá đồ sộ chỉ khoảng hơn 60 tác phẩm nhưng những tác phẩm của ông đều giàu giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm trước cách mạng tháng tám là những ưu tư, trăn trở về cuộc sống người trí thức, người nông dân. Đặc biệt, với người nông dân đó còn là những suy tư về sự bần cùng hóa của họ khi bị xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy vào bước đường cùng. Những ưu tư đó đã được thể hiện rõ nét qua nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên.

    Trước hết, Chí Phèo là một người nông dân lương thiện. Từ khi sinh ra, Chí là đã trẻ mồ côi, được anh thả ống ươn đem về cho bà góa mù nuôi, nhưng sau đó bà góa mù lại bán Chí cho bác phó cối. Khi bác phó cối mất, Chí lớn lên trong sự cưu mang, đùm bọc của mọi người. Trưởng thành, Chí là chàng trai khỏe mạnh, ham lao động với những mơ ước hết sức bình dị : chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Ước mơ ấy của người nông dân thật trong sáng và đẹp đẽ. Chí làm thuê cho Bá Kiến, nhưng không dừng lại ở đó, Chí còn bị bà ba ép bóp chân, làm những việc đó Chí chỉ cảm thấy nhục hơn là thấy thích. Chí là một người có lòng tự trọng. Những mơ ước, khát khao bình dị, cùng với lòng tự trọng sâu sắc đã cho ta thấy khởi nguồn của Chí là một con người hiền lành, chất phác, Chí là một nông dân lương thiện.

    Từ một người nông dân lương thiện, Chí bị tha hóa về nhân cách, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo bóp chân cho bà ba và bị Bá Kiến bắt gặp, cơn ghen điên cuồng nổi lên, Bá Kiến đẩy Chí vào nhà tù thực dân, và cũng từ đây Chí bị tha hóa về cả nhân hình và nhân tính. Nhân hình của Chí Phèo không khác gì con quỷ dữ: Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng , hai mắt gườm gườm trông gớm chết ; ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy. Hắn luôn trong tình trạng say xỉn, chửi bới, đánh nhau và ăn vạ. Chí đã biến thành tên lưu manh hung hăng, liều lĩnh. Không dừng lại ở đó, Chí còn bị Bá Kiến lợi dụng, hắn dùng sự khôn ngoan, xảo quyệt để lợi dụng Chí, Chí Phèo lúc này khờ khạo, u mê trong hơi men nên dễ dàng để Bá Kiến lợi dụng. Hắn trở thành tay sai cho Bá Kiến, cho cái ác, làm bất cứ việc gì mà Bá Kiến yêu cầu. Cả dân làng Vũ Đại tránh hắn như tránh hủi, mọi lời khà khịa của hắn mọi người đều bỏ ngoài tai và coi như nó chừa mình ra. Sự tha hóa của Chí Phèo không phải là hiện tượng bất thường, mà nó là hiện tượng mang tính quy luật của xã hội dương thời, Chí là sản phẩm tất yếu của xã hội đè nén, chèn ép khiến con người phải biến chất, tha hóa, mất hết nhân hình và nhân tính.

    Chí Phèo khi sinh ra đã là trẻ mồ côi, bị chính mẹ đẻ cự tuyệt quyền sống. Đến khi lớn lên hắn lại một lần nữa bị cự tuyệt quyền làm người. Hắn bị đẩy ra vùng ngoại vi của xã hội, Chí Phèo cô độc đến tột độ, lời hắn chửi ở mọi lúc mọi nơi chính là biểu hiện sự cô đơn ấy. Hắn chửi trời, chửi đời nhưng chẳng ai đáp lại hắn, thành ra chỉ có tiếng chó sủa đáp lại hắn. Sống trong một cộng đồng, nhưng lại bị chính cộng đồng xa lánh, còn gì khốn khổ và tội nghiệp hơn cho thân phận Chí Phèo.

    Gặp Thị Nở là một cơ may giúp Chí phục sinh phần người ít ỏi còn sót lại, giúp Chí nhận ra nhiều điều trước khi quá muộn. Chí bị cảm lạnh, nôn mửa, Thị Nở đã đưa Chí Phèo vào lều, đắp cho hắn manh chiếu rách lên người để hắn khỏi lạnh. Để rồi sau những ngày dài triều miên trong hơi men, đến hôm nay Chí mới lắng lòng mình để nghe, để cảm nhận những âm thanh cuộc sống: Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ.... Đó là những tiếng quen thuộc hôm nào cũng có nhưng từ khi ở tù về Chí chưa một lần nghe thấy. Chí thấy rùng mình khi nghĩ về rượu, Chí nhớ về quá khứ tươi đẹp, những ngày hắn được sống, được làm việc, với những mơ ước hết sức bình dị: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng thực tại của hắn lại chẳng có gì, hắn già và cô độc, nhận ra rằng mình đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời và chẳng thể mãi lấy nghề rạch mặt ăn vạ mà sống. Cũng may lúc ấy Thị Nở vào, mang bát cháo hành nóng hổi đến cho Chí. Đón bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí hết sức ngạc nhiên, từ ngạc nhiên hắn thấy mắt mình ươn ướt. Bởi cả cuộc đời hắn đã bao giờ được ai săn sóc, những thứ hắn có được đều do rạch mặt ăn vạ mà có. Hắn giờ mới biết đến tình yêu thương, sự săn sóc, “hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Tình yêu thương đã giúp Chí thức tỉnh, Chí thấy thị có duyên, và bùng lên khao khát được chung sống với thị Nở, đây là khát khao chính đáng là đích đến của tình yêu chân chính. Hắn không còn kinh rượu nhưng luôn cố uống cho thật ít và trở nên hiền lành đến khó tin. Tình yêu có sức mạnh cảm hóa diệu kì, đã cảm hóa một thằng săng đá thành một con người lương thiện, hiền lành và thức tỉnh trong Chí khát khao được làm người lương thiện.

    Thế nhưng, tưởng chừng hạnh phúc, con đường trở về làm người lương thiện đã mở ra với Chí, thì chính lúc ấy đóng sầm lại. Thị Nở nghe lời bà cô, cự tuyệt Chí, thị trút hết những lời bà cô nói vào mặt hắn, Chí Phèo hiểu, níu kéo nhưng tất cả đều trở nên vô ích. Chí khóc và ngửi thấy hương cháo hành thoảng qua, nỗi đau trong Chí càng cuộn trào hơn. Chí xách dao với mục đích giết chết cả nhà Thị Nở, nhưng quen chân lại đến nhà Bá Kiến và trong Chí cũng nhận ra kẻ thù, người đẩy hắn đến kết cục bi thảm này chính là Bá Kiến chứ không phải ai khác. Chí Phèo đến nhà Bà Kiến giết hắn và kết liễu đời mình. Đây là sự lựa chọn duy nhất của Chí Phèo: con đường quay lại làm người lương thiện không được, vì xã hội ruồng bỏ, không chấp nhận Chí; Làm quỷ dữ cho Bá Kiến giật dây Chí không muốn. Bởi vậy chết là cách duy nhất để Chí được làm con người lương thiện. Cái chết của Chí là một đòn mạnh mẽ, lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, đã đẩy con người vào đường cùng phải tìm đến cái chết.

    Tạo nên sức hấp dẫn của nhân vật phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình với diễn biến tâm lí tự nhiên, hợp lí, hấp dẫn. Cốt truyện giàu kịch tính, biến hóa linh hoạt, kết thúc tác phẩm phù hợp với sự phát triển tất yếu của nhân vật. Nghệ thuật trần thuật đặc sắc, kể đảo trật tự thời gian.

    Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo tác giả đã khái quát lên một hiện tượng ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám: một bộ phận người nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và cuối cùng bị đẩy đến cái chết không lối thoát. Từ đó phơi bày thực trạng xã hội đương thời. Với nhân vật này, Nam Cao còn khẳng định ngợi ca vào thiên tính tốt đẹp và sức sống tiềm tàng, hướng thiện của những người nông dân.

shoppe