Đăng ký

Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em (Vườn quốc gia Xuân Sơn)

1,722 từ

Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em (Vườn quốc gia Xuân Sơn)

Vừa leo dốc, một anh bạn trong đoàn cất tiếng hỏi: Ở đâu hiện nay trên đất nước ta có gà chín cựa? Chỉ trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh mới có "Voi chín ngà, chín cựa, ngựa chín hồng mao... " đồ sính lễ của Sơn Tinh dâng lên Vua Hùng để cưới công chúa Mỵ Nương? Mời các vị hãy cùng tôi vượt rừng leo núi ngược dốc đến vườn quốc gia Xuân Sơn sẽ được nhìn thấy và thưởng thức cái món "đặc sản" gà chín cựa - Anh cán bộ kiểm lâm đã nói như vậy, trước khi chúng tôi lên đường đi sâu vào Tây Bắc.

Mờ sáng, chúng tôi đã ngược dốc "Sừng Trời" mà người Thái gọi là Khau Phạ. Nơi đây được xem là "mái nhà" của nước Việt, với đỉnh Phan-xi-păng cao ngất trời 3143m. Đi dọc 180 km dãy Hoàng Liên Sơn là đi giữa hai bờ hư thực, lần lượt vén màn bí mật của chàng Sơn Tinh xa xưa, tìm về hơi ấm trong vòng tay những cô gái Thái giữa nơi thiên nhiên hoang dã.

 Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc huyện Tán Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây là khu rừng nguyên sinh nằm giữa những ngọn núi đá vôi tận cùng phía nam của Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Có những cây chò chỉ cổ thụ, gốc to bốn năm người ôm mới xuể, cao hơn 100 m. Có rất nhiều thứ gỗ quý. Có nhiều cầy bay, sơn dương, nhiều thú rừng quý hiếm. Thỉnh thoảng gấu và cọp vẫn kéo nhau ra bờ suối rình mồi.

Anh Bùi Văn Tuyên, trưởng trạm kiểm lâm Xuân Sơn dẫn chúng tôi đi thăm rừng và đi vào bản Cỏi, vào xóm Lấp... Con đường độc đạo uốn lượn giữa đại ngàn cheo leo ven bờ suối,.. Những cối giã gạo chạy bằng guồng nước suối, những nếp nhà lá đơn sơ, chênh vênh là vẻ hoang sơ đầy ấn tượng đối với người miền xuôi lần đầu bước chân tới nơi núi thảm rừng xanh này.

 Chúng tôi đi khắp bản Cỏi để tìm “gà chín cựa”. Gà ở đây được chăn thả tự nhiên, ngày ngày chúng tản mác trong rừng để kiếm ăn. Tiếng gáy nghe xa xa não nùng vào lúc ban trưa, lúc chiều tà. Tìm mãi rồi cũng thấy “báu vật". Những tay săn ảnh cặp mắt sáng lên. Nhiều tiếng “ồ" thích thú cất lên. Một chú gà trống lông lốm đốm như sao, màu đỏ rực đang "cục cục cục" quanh đàn gà mái. Cặp cánh vĩ đại, lúc xòe ra, lúc bắt chéo rất đa tình. Chú chạy liên thoắng. Phải cân nặng 3 - 4kg. Cái đuôi màu trắng, màu đen, màu đỏ uốn cong lên rất đẹp. Đôi chân to, móng nhọn, chùm cựa tua tủa chìa ra như những mũi giáo màu vàng ngà. Gà được thả rông như gà rừng, nên bay rất cao và chạy rất nhanh. Thấy chúng tôi đang say sưa ngắm nhìn và bàn tán về chú gà kì lạ, một chị người Dao tay bế tay bồng đứa con thơ, cười rú lên: “Ôi giời, tưởng các anh đi tìm “voi chín ngà...”, hóa ra tìm gà nhiều cựa, thì trong bản có đầy, từng đàn các anh ạ” ...

Khi mặt trời đã nằm nghiêng trên ngọn núi xa, bà con bản Cỏi lục tục kéo về, gồng gánh đủ thứ lâm sản. Sân nhà nào cũng đầy gà. Nhà chị Hà Thị Tình ở xóm Lấp nuôi nhiều gà nhất ở xóm Xuân Sơn. Phải có đến hai, ba chục con gà trống trong đàn gà trăm con. Cựa gà mọc thành chùm. Có con chỉ có 4 cựa. Có con 6 cựa. Nhiều con 8 cựa, cựa nào cũng to, nhọn và sắc. Giống gà lạ thế, nhưng bà con dân bản Cỏi vùng Xuân Sơn cũng ít quan tâm.

Giống gà này chỉ nuôi được ở vùng Xuân Sơn. Nếu đưa đi nơi khác, hoặc đưa về xuôi thì chỉ vài hôm sau, gà chín cựa bỏ ăn rồi chết. Chị Tình cho biết thế.

“Thịt gà chín cựa” ngon ngọt và thơm lắm. Vài cặp chân “gà chín cựa" ninh hạt sen. chỉ được nếm một đôi lần sẽ nhớ đời. Đêm đó, 5 anh em chúng tôi và 3 cán bộ trạm kiểm lâm Xuân Sơn đã làm một bữa đại yến "ngũ kê” toàn “gà chín cựa”. Một bữa tiệc rừng say túy lúy với rượu Mẫu Sơn. 

Đã khuya rồi, trăng nghiêng nghiêng rừng chò chỉ. Bản Cỏi êm đềm bình yên trong tiếng ru rì rầm của suối, trong tiếng lao xao của rừng cây. Chúng tôi đều thao thức. Một anh bạn tâm sự: “Có lẽ Sơn Tinh ngày xưa cũng chưa được nếm thịt gà chín cựa nhâm nhi với rượu Mẫu Sơn như chúng mình hôm nay...”

 Cuối bản xa, “gà chín cựa" đã le te gáy sáng.

 Cả đoàn lại lên đường. Hẹn trở lại Xuân Sơn lần nữa.

shoppe