Đăng ký

Phân tích cảnh đưa đám trong Hạnh phúc của một tang gia- văn 11

3,951 từ

Phân tích cảnh đưa đám trong Hạnh phúc của một tang gia

Hạnh phúc của một tang gia là đoạn văn được trích từ tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đây chính là một trong những phân cảnh lột trần một cách sắc nét nhất sự giả dối của những con người sống trong tầng lớp thượng lưu trong xã hội nửa tây nửa ta lúc bấy giờ. Hãy cùng tham khảo bài phân tích cảnh đưa đám trong Hạnh phúc của một tang gia trong bài viết dưới đây!

Phân tích cảnh đưa đám trong Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích cảnh đưa đám trong Hạnh phúc của một tang gia

Mở bài Cảnh đưa đám trong hạnh phúc của một tang gia

Vũ Trọng Phụng là một trong những cây bút hiện thực gắn liền với nghệ thuật trào phúng đặc sắc của nền văn học Việt Nam. Dù gắn bó với sự nghiệp viết chỉ trong thời gian ngắn, nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm để đời làm vang bóng tên tuổi một thời trong lòng độc giả. Trong đó, không thể không kể đến tiểu thuyết “Số đỏ” được ông sáng tác vào năm 1936. 

Tác phẩm là một bức tranh hiện thực lột trần bộ mặt giả dối của con người trong tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ, đồng thời cũng là một tiếng cười mỉa mai được cất lên qua xuyên suốt câu chuyện. Đặc biệt, đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” với phân cảnh “đám ma gương mẫu” của cụ cố Tổ chính là một trong những phân đoạn nổi bật góp phần quan trọng trong việc lật tẩy cái giả nhân giả nghĩa của xã hội nửa tây nửa ta trước Cách mạng tháng Tám.

Xem thêm:

Dàn ý phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia

Thân bài phân tích cảnh đưa đám trong hạnh phúc của một tang gia 

Thông qua tiểu thuyết “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng đã tái hiện lại sự đểu giả nháo nhào của đám người trong xã hội nửa thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng tháng tám. Trong đó, gia đình thượng lưu với nhiều thế hệ do cụ cố Tổ đứng đầu chính là xã hội thu nhỏ lúc bấy giờ. Mỗi một nhân vật trong gia đình sẽ lột tả lần lượt những mặt lố lăng của lớp người giả nhân giả nghĩa này. Đám con cháu sau khi biết cụ cố Tổ đã viết di chúc nhằm chia tài sản sau khi chết đã tìm mọi cách để khiến cụ “ra đi” càng sớm càng tốt. Như thế thì chúng có thể nhanh chóng thừa hưởng của cải thuộc phần mình mà cụ cho. Chính vì thế, chúng đã tìm đến Xuân Tóc Đỏ - một kẻ bịp bợm, giả tri thức.

Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia- ngữ văn 11

Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia- ngữ văn 11

Ngoài mặt, chúng nhờ Xuân Tóc Đỏ chăm sóc cho cụ cố Tổ, nhưng bên trong lại giao nhiệm vụ chính là nhanh chóng khiến cụ chết. Thế là chỉ bằng một lời tố cáo ông Phán - người cháu rể của cụ - bị mọc sừng, Xuân Tóc Đỏ đã thành công hoàn thành nhiệm vụ và trở thành ân nhân của đám con cháu nhà này. Còn về phần cụ cố Tổ, vì là một người đại biểu cho gia phong nề nếp nên đã uất ức mà chết khi biết tin. Cái chết của người đứng đầu một gia đình hẳn sẽ khiến cho những người con cháu buồn đau. Nhưng lạ thay, dường như đám con cháu từ lớn đến nhỏ đều hả hê trong hạnh phúc trước sự ngã xuống của cây đại thụ trong dòng tộc? Theo dõi “đám tang mẫu mực” của cụ cố Hồng, có lẽ người đọc cũng dễ dàng nhận thấy sự đểu giả của đám người máu lạnh này!

Ngay từ nhan đề, nghịch lý của đoạn trích đã được thể hiện một cách rõ nét. Từ bao giờ mà một đám tang có thể mang lại niềm hạnh phúc cho con người, nhất là tang gia - gia đình có người bị mất? Có lẽ cũng chính từ nhan đề này, người đọc đã hình thành trong đầu một câu hỏi và sự tò mò nội dung của câu chuyện. Thật khó tin, nhưng gia đình đại diện cho tầng lớp thượng lưu với những người con, người cháu “văn minh” lại thật sự cảm thấy hạnh phúc vì cái chết của cụ cố Tổ của mình. Dường như niềm hạnh phúc ấy lớn đến nỗi khiến tiếng khóc đã hiếm có, nay lại chìm nghỉm trong tiếng cười đùa, nói chuyện lố lăng của đám người tham dự đám tang. Qua từng chi tiết của đoạn trích, Vũ Trọng Phụng sẽ dần vén màn bộ mặt giả nhân giả nghĩa của con cháu gia đình này!

Cụ cố Tổ là một người của gia phong nề nếp, là một người luôn giữ gìn những truyền thống văn hóa bao đời của gia đình, của dân tộc. Đám tang của một người như thế đáng ra phải được diễn ra với sự trang trọng, trang nghiêm của phong tục truyền thống. Nhưng dường như sự thể diễn ra lại theo chiều hướng ngược lại. Có đời nào đám tang lại chuẩn bị heo quay đi lộng, lối tổ chức nửa tây nửa ta lại pha chút tàu khiến khung cảnh trông thật hỗn loạn?

Xem thêm:

Top 3 mẫu tóm tắt Hạnh phúc của một tang gia

Ý nghĩa cách đặt nhan đề Hạnh phúc của một tang gia

Trong khi cậu Tú Tân trông như một người chỉ huy của đám tang, thì Xuân Tóc Đỏ cùng một đoàn người khác lại chen vào đám tang? Thông thường, một đám tang sẽ được diễn ra theo trật tự nhất định trong không khí trang nghiêm, đau xót, thì nay người đọc như được tham gia một đám tang hoàn toàn “mới” được ví như đám rước linh đình. Đúng là một chuyện vừa khó tin lại nực cười không thể tưởng tượng nổi. Sự hỗn loạn của đám tang khiến cho mọi khu phố nó đi qua bị náo loạn cả lên. “Đám cứ đi” một cách dài lê thê, nhốn nháo, nhộn nhịp.

Trong đám tang ấy, thật khó để tìm thấy một gương mặt buồn đau xót thương vì sự ra đi của người thân trong gia đình. Ba trăm người tham gia là ba trăm niềm vui khác nhau. Tác giả chẳng thể miêu tả tâm trạng của từng người, mà đã khéo léo nhấn mạnh tâm trạng của những người đại diện cho hạng người khác nhau trong xã hội ấy. Đại diện cho phái truyền thống là những người bạn của cụ cố Hồng, đại diện cho sự âu hóa, tân tiến là những lớp người bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh; và đại diện cho tang gia là cậu Tú Tân, ông Phán và cụ cố Hồng.

Nhìn xem, những người bạn của cụ cố Hồng đáng ra nên làm gương cho con cháu noi theo thì lại có những hành động lố bịch đến khó hiểu. Đám tang của cụ cố Tổ chỉ là dịp để họ khoe ra huân chương cùng những bộ ria “đáng tự hào”. Đây cũng là dịp để họ tâm sự với nhau về chuyện vợ con, chuyện gia đình, chuyện “cái tủ mới sắm cái áo mới may”. Tệ hại hơn hết là việc họ dúi mắt vào làn da trắng thập thò của cô Tuyết một cách đáng khinh trong chính đám tang đưa tiễn một người quá cố đáng kính.

Cảnh đưa đám trong đoạn trích

Cảnh đưa đám trong đoạn trích

Những người đại diện cho sự văn minh, âu hóa, những người được coi là trai thanh gái lịch hà thành cũng chẳng tốt đẹp hơn bao nhiêu. Trong đám tang, họ thoải mái chiêm chọn, ghen tuông dè bỉu nhau. Những câu chuyện chẳng nên nói trong không khí trang nghiêm này lại xuất hiện một cách rất “tự nhiên”. Họ thoải mái trưng bày thái độ vô văn hóa trong khi luôn tự đề cao mình là một người văn minh nhất. Họ phô trương tâm trạng vui sướng, hạnh phúc trong đám tang một người đã khuất.

Bằng những chi tiết nhỏ, tác giả đã phô bày tâm trạng hân hoan của đám người đó. Trong khi bà cụ Hồng “sung sướng reo lên” giữa đám tang, thì Xuân Tóc Đỏ chen ngang vào giữa đám tang với hai vòng hoa. Cái cách bà cụ thốt lên cảm ơn Xuân Tóc Đỏ vì “chu đáo” chuẩn bị vòng hoa cũng thể hiện sự lố bịch của đám tang. Cậu Tú Tân chẳng hơn gì, chỉ biết lăn xăn chụp ảnh như một sự kiện vui vẻ, còn cụ cố Hồng thì mếu máo một cách “miễn cưỡng”. Về ông Phán - ông cháu rể mọc sừng hưởng lợi nhiều nhất từ cái chết của cụ cố Tổ - thì lại làm trò buồn cười hơn là dúi năm đồng gấp tư vào tay Xuân Tóc Đỏ để cảm ơn công trạng. Tiếng hức hức của ông ta vang lên như bao che đi hành động đểu giả đó, nhưng cũng chẳng thể che được qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng.

Cảnh đám tang nháo nhào đó đã được Vũ Trọng Phụng khai thác một cách chân thực qua ngòi bút trào phúng. Qua nghệ thuật trào phúng, tác giả đã thành công tạo ra tiếng cười cho độc giả. Đó là tiếng cười kết hợp giữa sự chua chát và cả sảng khoái để góp phần tạo nên cao trào và bùng nổ nội dung của tiếng cười phê phán. Có thể nói, trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”, thủ pháp trào phúng được tác giả sử dụng xuyên suốt chính là tạo ra mâu thuẫn giữa hai trạng thái đối lập vui - buồn, trang nghiêm - bát nháo để rồi làm nổi bật bộ mặt giả dối, lạnh lùng của bộ phận thượng lưu trong xã hội bấy giờ.

Những mâu thuẫn đó đã được tác giả thể hiện một cách tinh tế qua cảnh tượng đám tang mẫu mực. Một đám tang lẽ ra phải ngập trong nỗi buồn đau, tiếc thương thì cả gia đình ai nấy lại chẳng thể giấu nổi niềm vui trong lòng. Một đám tang lý ra nên trang nghiêm, trật tự thì lại hỗn loạn, nháo nhào đến mức khiến người ta phải lắc đầu ngán ngẩm. Nổi bật trong đó là nghệ thuật phóng đại khiến cho người đọc cứ mãi ám ảnh về đám tang “mẫu mực” này qua hành động đểu giả, lố bịch của ông Phán mọc sừng cố giả khóc, của cậu Tú Tân nhảy sang hết khu mộ này đến khu mộ khác để khoe tài chụp ảnh, của cụ cố Hồng đang cố hết sức diễn tròn vai của một người con có hiếu. Sự phóng đại này đã làm nổi bật lên sự giả nhân giả nghĩa, vô nhân tính của lớp người tự xưng là văn minh ấy.

Xem thêm:

Hạnh phúc của một tang gia là một màn kịch

Cái chết kia đã làm cho nhiều người sướng lắm

Kết bài phân tích cảnh đưa đám trong hạnh phúc của một tang gia

Trong từng tác phẩm của mình, Vũ Trọng Phụng luôn tìm cách bóc trần những sự thật đang hiện diện trên đời. Có khi ông miêu tả sự thật bằng một thái độ đau xót thương cảm, cũng có khi bày tỏ sự châm biếm, mỉa mai đối với một sự thật đáng khinh. Thái độ của ông trong “Hạnh phúc của một tang gia”, nhất là cách tái hiện lại bức tranh đám tang chính là một sự khinh bỉ, căm ghét. Thông qua đó, nhà văn đã cảnh báo một vấn đề vô cùng nghiêm trọng đang tồn tại trong xã hội, đó chính là những giá trị văn hóa cổ truyền đang dần bị biến dạng bởi cơn lốc âu hóa. Và chính sự sùng bái nền “văn minh mới” đó, con người ta đang dần tha hóa đi, để rồi trở thành một dạng người kệch cỡm, đáng cười.

Đó là bài phân tích cảnh đưa đám trong Hạnh phúc của một tang gia mà bạn có thể tham khảo để có thể hiểu rõ hơn những giá trị nội dung và nghệ thuật mà tác phẩm mang trong mình. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và giúp bạn học tốt hơn bộ môn Ngữ Văn trên lớp!

 

shoppe