Cảm nghĩ về bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão
Quy luật của sự tồn tại và phát triển văn học là sự gắn bó chặt chẽ với vận mệnh dân tộc và số phận con người. Trong bất cứ một giai đoạn văn học nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh lịch sử xã hội giai đoạn ấy. Văn học đời Trần cũng không là ngoại lệ. Đó là tấm gương phản chiếu một thời đại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, của tinh thần yêu nước Việt Nam. Điều thú vị hơn nữa là những tác phẩm văn học tiêu biểu lại gắn liền với tên tuổi những danh tướng, những nhà quân sự tài ba như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung... Có lẽ chính bởi điều đó mà hình tượng con người trong văn học đời Trần luôn nổi bật bởi tinh thần trách nhiệm đối với giang sơn xã tắc.
Tỏ lòng - bài thơ nổi tiếng của danh tướng Phạm Ngũ Lão- là một bức tranh đẹp về con người thời đại nhà Trần. Qua đó người đọc không ch? cảm nhận được không khí hào hùng một thời đại mà còn có thể cảm nhận được vẻ đẹp con người thời đại ấy trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu Nam nhi vị liễu công danh trái Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu"
Dịch nghĩa:
Cầm ngang ngọn giáo đứng giữa non sông trải đã mấy thu
Ba quân như hổ có thể nuốt trôi trâu
Nam nhi chưa trả xong món nợ công danh
Thẹn khi nghe nhân gian nói chuyện Vũ Hầu.
Bài thơ đã khái quát trọn vẹn bức chân dung người anh hùng đời Trần. Đó là một tư thế hiên ngang hào sảng, một khí phách mạnh mẽ, một hoài bão cao đẹp. Những đường nét ấy chỉ có thể được làm nên bởi một thời đại mà niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với giang sơn xã tắc là một ngọn lửa hừng hực cháy trong trái tim mỗi người dân.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người anh hùng trong tư thế hiên ngang:
"Cầm ngang ngọn giáo đứng giữa non sông trải đã mấy thu"
Tính chất hiên ngang thể hiện trong hình ảnh chiếm lĩnh không gian (Cầm ngang ngọn giáo, đứng giữa non sông"), và chiếm lĩnh thời gian ("đã mấy thu" rồi). Không gian đo bằng chiều dài đất nước, thời gian đo bằng tháng năm... Tất cả làm nên một tượng đài về người anh hùng mà linh hồn của tượng đài ấy là ý thức lớn lao về trách nhiệm bảo vệ tổ quốc. Điều ấy đã trở thành tinh thần của không chỉ những người anh hùng nhà Trần, mà còn tiêu biểu cho tinh thần dân tộc, làm nên truyền thống bất khuất, kiên trung của biết bao thế hệ yêu nước trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Cùng với một tư thế hiên ngang, hình ảnh người anh hùng trong bài thơ còn được khắc hoạ bởi một sức mạnh phi thường. Nếu câu thơ đầu tiên là biểu tượng về tinh thần dân tộc thì câu thơ thứ hai là biểu tượng của khí thế dũng mãnh của một đội quân, một khối đoàn kết, một khối sức mạnh không gì địch nổi:
"Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu"
Nhưng có lẽ đẹp hơn cả, hào hùng hơn cả là hoài bão cao đẹp của người anh hùng:
"Nam nhi chưa trả xong nợ công danh
Thẹn khi nghe nhân gian nói chuyện Vũ Hầu"
Vũ Hầu Gia Cát Lượng là tấm gương của tinh thần cống hiến, là hình ảnh lí tưởng của kẻ nam nhi lập công danh và được lưu truyền trong sử sách. Người nam nhi trong bài thơ, trước tấm gương Gia Cát Lượng đã "thẹn" với chính mình vì món nợ công danh chưa trả xong. Đó là cái "thẹn" cao cả, cái "thẹn" chỉ có thể có được ở những con người ý thức sâu sắc hơn ai hết về nghĩa vụ làm người, về trách nhiệm của kẻ làm trai trong trời đất. Chính cái thẹn ấy đã làm nên vẻ đẹp, làm nên chiều sâu bên trong của bức chân dung người anh hùng thời nhà Trần, làm nên một thời đại rạng danh sử sách bởi ý chí quật cường và tinh thần " Sát Thát”.
Đọc bài thơ, người đọc không chỉ cảm động trước lời tỏ bày về trách nhiệm đối với non sông của một con người mà còn được chứng kiến và ngưỡng mộ một thời đại đã làm nên những dấu ấn rực rỡ trong lịch sử dân tộc ta.
Bài thơ được viết cách chúng ta hơn mươi thế kỉ nhưng những trăn trở, hoài bão của nhà thơ vẫn mang ý nghĩa tích cực. Quyết chí lập còng, sao cho "lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ" (Hịch tướng sĩ văn- Trần Quốc Tuấn) vẫn là một quan niệm còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay.
(Bài do cô giáo Hoàng Thị Tâm cung cấp)
Xem thêm >>> Phân tích tác phẩm "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn
Chúc các bạn học tập tốt <3