Đăng ký

Bài 18: Tớ nhớ cậu

I. Khởi động

Câu hỏi 1: Khi cùng chơi với bạn, em cảm thấy thế nào?

Trả lời:

Khi cùng chơi với bạn, em cảm thấy rất vui, rất thoải mái.

Câu hỏi 2: Khi xa bạn, em cảm thấy thế nào?

Trả lời:

Khi xa bạn, em cảm thấy rất buồn và rất nhớ bạn.

II. Đọc văn bản

Tớ nhớ cậu

Kiến là bạn thân của sóc. Hằng ngày, hai bạn thường rủ nhau đi học. Thế rồi nhà kiến chuyển đến một khu rừng khác. Lúc chia tay, kiến rất buồn. Kiến nói: “Cậu phải thường xuyên nhớ tớ đấy.”. Sóc gật đầu nhận lời.

Một buổi sáng, sóc lấy một tờ giấy và viết thư cho kiến. Sóc nắn nót ghi: “Tớ nhớ cậu.”. Một cơn gió đi ngang qua mang theo lá thư. Chiều hôm đó, kiến đi dạo trong rừng. Một lá thư nhè nhẹ bay xuống. Kiến reo lên: “A, thư của sóc!”.

Hôm sau, kiến ngồi bên thềm và viết thư cho sóc. Kiến không biết làm sao cho sóc biết mình rất nhớ bạn. Cậu viết: "Chào sóc!". Nhưng kiến không định chào sóc. Cậu bèn viết một lá thư khác: "Sóc thân mến!". Như thế vẫn không đúng ý của kiến. Lấy một tờ giấy mới, kiến ghi: "Sóc ơi!". Cứ thế, cậu cặm cụi viết đi viết lại trong nhiều giờ liền.

Không lâu sau, Sóc nhận được một lá thư do kiến gửi đến. Thư viết: "Sóc ơi, tớ cũng nhớ cậu!".

(Theo Tun Te-le-gon)

Từ ngữ

- Nắn nót: viết rất cẩn thận cho đẹp.

- Cặm cụi: chăm chú, tập trung vào việc đang làm.

1. Trả lời câu hỏi

Câu hỏi 1: Khi chia tay sóc, kiến cảm thấy thế nào?

Trả lời:

Khi chia tay sóc, kiến cảm thấy rất buồn.

Câu hỏi 2: Sóc đồng ý với kiến điều gì?

Trả lời:

Sóc đồng ý với kiến rằng sẽ thường xuyên nhớ tới kiến.

Câu 3: Vì sao kiến phải viết nhiều lần lá thư gửi sóc?

Trả lời:

Kiến phải viết nhiều lần lá thư gửi sóc vì kiến không biết làm sao cho sóc biết mình rất nhớ bạn.

Câu hỏi 4: Theo em, hai bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu không nhận được thư của nhau?

Trả lời:

Theo em, nếu không nhận được thư của nhau hai bạn sẽ cảm thấy rất buồn.

2. Luyện tập theo văn bản đọc

Câu hỏi 1: Đóng vai sóc và kiến để nói và đáp lời chào lúc chia tay.

Trả lời:

* Cách 1:

- Sóc: Tạm biệt cậu nhé!

- Kiến: Tạm biệt cậu! Cậu phải thường xuyên nhớ tớ đấy!

* Cách 2:

- Sóc: Chào cậu nhé! Tớ mong sớm được gặp lại cậu!

- Kiến: Tạm biệt cậu! Nhớ viết thư cho tới nhé!

Câu hỏi 2: Em sẽ nói với bạn thế nào khi:

- Bạn chuyển đến một ngôi trường khác.

- Tan học, em về trước còn bạn ở lại chờ bố mẹ đón.

Trả lời:

* Bạn chuyển đến một ngôi trường khác

- Em: Tạm biệt cậu nhé! Tớ sẽ rất nhớ cậu! Chúng ta vẫn giữ liên lạc nhé!

- Bạn: Tạm biệt nhé, tớ cũng sẽ rất nhớ cậu! Chắc chắn tớ sẽ giữ liên lạc với cậu!

* Tan học, em về trước còn bạn ở lại chờ bố mẹ đón

- Em: Tạm biệt cậu nhé! Tớ về trước đây!

- Bạn: Tạm biệt cậu! Hẹn gặp lại vào ngày mai nhé!

III. Viết

Câu hỏi 1: Nghe – viết:

Tớ nhớ cậu

Kiến là bạn thân của sóc. Hằng ngày, hai bạn rủ nhau đi học. Một ngày nọ, nhà kiến chuyển sang cánh rừng khác. Sóc và kiến rất buồn. Hai bạn tìm cách gửi thư cho nhau để bày tỏ nỗi nhớ.

Câu hỏi 2: Tìm từ ngữ có tiếng bắt đầu bằng c hoặc k gọi tên mỗi con vật trong hình:

Trả lời:

Tên các con vật trong bức tranh đó là: con cua, con công, kì đà, con kiến

Câu hỏi 3: Chọn a hoặc b:

a. Chọn tiếng chứa iêu hoặc ươu thay cho ô vuông.

(hươu, nhiều, khướu)

Sóc hái rất □ hoa để tặng bạn bè. Nó tặng □ cao cổ một bó hoa thiên điểu rực rỡ. Còn chim □ và chim liếu điếu được Sóc tặng một bó hoa bồ công anh nhẹ như bông.

b. Tìm từ ngữ có tiếng chứa en hoặc eng.

Trả lời:

a. Sóc hái rất nhiều hoa để tặng bạn bè. Nó tặng hươu cao cổ một bó hoa thiên điểu rực rỡ. Còn chim khướu và chim liếu điếu được sóc tặng một bó hoa bồ công anh nhẹ như bông.

b. Từ ngữ có tiếng chứa en hoặc eng:

- en: cái kèn, nhái bén, cái kén, hoa sen, thẹn thùng, cái chén, then cửa,…

- eng: cái kẻng, leng keng, reng reng, xà beng, quên béng,…

IV. Luyện tập

1. Luyện từ và câu

Câu hỏi 1: Tìm từ ngữ chỉ tình cảm bạn bè.

M: quý mến.

Trả lời:

Những từ ngữ chỉ tình cảm bạn bè đó là: yêu mến, thân thiết, gắn bó, thấu hiểu, chia sẻ,....

Câu hỏi 2: Chọn từ trong ngoặc đơn thay cho ô vuông.

(nhở, tươi vui, thân thiết, vui đùa)

Cá nhỏ và nòng nọc là đôi bạn □. Hằng ngày, chúng cùng nhau bơi lội. Thế rồi nòng nọc trở thành ếch. Nó phải lên bờ để sinh sống. Nhưng nó vẫn □ cá nhỏ. Thỉnh thoảng, nó nhảy xuống ao □ cùng cá nhỏ.

Trả lời:

Cá nhỏ và nòng nọc là đôi bạn thân thiết. Hằng ngày, chúng cùng nhau bơi lội. Thế rồi nòng nọc trở thành ếch. Nó phải lên bờ để sinh sống. Nhưng nó vẫn nhớ cá nhỏ. Thỉnh thoảng, nó nhảy xuống ao vui đùa cùng cá nhỏ.

Câu hỏi 3: Chọn câu ở cột A phù hợp với ý ở cột B. Nói tên dấu câu đặt cuối mỗi câu.

Trả lời:

- Hằng ngày, hai bạn thường rủ nhau đi học – Kể lại sự việc – Đặt dấu chấm cuối câu.

- Vì sao lúc chia tay sóc, kiến rất buồn? – Hỏi điều chưa biết – Đặt dấu hỏi chấm cuối câu.

- Sóc ơi, tớ cũng nhớ cậu! – Bộc lộ cảm xúc – Đặt dấu chấm than cuối câu.

2. Luyện viết đoạn văn

Câu hỏi 1: Nói về việc làm của các bạn trong mỗi tranh.

Trả lời:

* Tranh 1: Trên con đường làng, hai bạn học sinh đang đi tới trường. Các bạn vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, vẻ mặt tươi cười. Phía sau, một em nhỏ được mẹ đưa đến trường.

* Tranh 2: Ba bạn đang cùng trao đổi bài học với nhau. Bạn nữ đang chỉ tay vào quyển sách để nói về bài học. Hai bạn nam bên cạnh chăm chú lắng nghe. Em thấy các bạn đều là những người rất chăm chỉ và biết giúp đỡ nhau trong học tập.

* Tranh 3: Tranh vẽ cảnh giờ ra chơi trên sân trường. Các bạn học sinh đang vui chơi. Có ba bạn đang chơi đá cầu. Một bạn nam đang giơ chân đá quả cầu. Hai bạn còn lại trong tư thế chuẩn bị nhận cầu. Ở phía xa có hai bạn nữ chơi nhảy dây. Bạn nữ nhảy dây rất khéo vì em thấy bạn nữ bên cạnh đang vỗ tay khen ngợi.

Câu hỏi 2: Viết 3 – 4 câu kể về một hoạt động em tham gia cùng các bạn.

G: - Em đã tham gia hoạt động gì cùng các bạn? (học tập, vui chơi,...)

- Hoạt động đó diễn ra ở đâu? Có những bạn nào cùng tham gia?

- Em và các bạn đã làm những việc gì?

- Em cảm thấy thế nào khi tham gia hoạt động đó?

Trả lời:

* Bài tham khảo 1:

Em đã tham gia hoạt động dã ngoại cùng với các bạn. Hoạt động đó diễn ra ở công viên thành phố. Lần đó, tất cả các bạn học sinh trong lớp em đều tham gia. Em và các bạn cùng nhau chơi trò chơi kéo co, biểu diễn văn nghệ, chăm sóc cây trong công viên,... Em cảm thấy rất vui khi được cùng các bạn tham gia buổi dã ngoại đó.

* Bài tham khảo 2:

Tuần trước, em và bạn Hoàng sang nhà bạn Minh để học nhóm. Chúng em hẹn nhau từ trước để về xin phép bố mẹ và nhờ bố mẹ đưa sang nhà bạn Minh. Chúng em vào phòng học và cùng nhau làm bài tập. Có chỗ nào không hiểu, em sẽ hỏi bạn Hoàng và bạn Minh. Sau khi đã hoàn thành hết bài tập, chúng em cùng nhau chơi đá bóng ở sân nhà Minh một lúc rồi về. Em rất thích sang nhà Minh học nhóm vì em cảm thấy học nhóm giúp em thích học hơn và làm bài tập nhanh hơn.

V. Đọc mở rộng

Câu hỏi 1: Tìm đọc một bài thơ về tình bạn. Khi đọc, chú ý những thông tin sau:

- Tên của bài thơ.

- Tên của tác giả.

Trả lời:

Em thích bài thơ Chú bò tìm bạn của tác giả Phạm Hổ.

Câu hỏi 2: Nói về những điều em thích trong bài thơ đó.

Trả lời:

Em thích bài thơ Chú bò tìm bạn của nhà thơ Phạm Hổ bởi vì em thấy chú bò trong bài thơ ấy rất trong sáng và đáng yêu.

Trên đây là cách soạn Tiếng Việt lớp 2, Tuần 10 - Bài 18 “Tớ nhớ cậu” trong chương trình sách mới Kết nối tri thức mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe